2. Làm thế nào để định hình một cốt truyện
Đầu tiên, phải tìm ý tưởng đã. Khi bạn đã có ý tưởng, triển khai nó. Một cách đơn giản nhất là hãy nghĩ ra những cái kết cho ý tưởng của bạn: Một anh chàng thức dậy giữa địa ngục và rồi cuối cùng trở lại nhân thế, hay chết rục giữa đám xương? Hãy chọn ra một vài cái kết trông có vẻ hấp dẫn và bắt đầu xây dựng xương sườn cho nó. Ở điểm bắt đầu và kết thúc, hãy đưa ra các tình tiết có thể phát triển và dẫn đến kết quả là ending của câu chuyện đó. Anh chàng đó thức dậy giữa địa ngục rồi, kế đến anh ta làm gì, gặp những ai, trải qua những sự việc gì, có cảm nhận gì và trong quá trình phiêu lưu đó nhân vật chính đã thức tỉnh hay nhận ra những bí mật gì để có thể trở lại nhân gian? Những chi tiết này hình thành dần dần và dễ dàng sắp xếp hơn nếu bạn đã có sẵn một cái kết vừa ý.
Sau khi đã mường tượng 80% cốt truyện, viết nó ra giấy. Đừng ghi vào điện thoại hay gõ phím, hãy viết ra giấy và bạn sẽ cảm thấy ý tưởng của mình xuất hiện nhiều hơn nữa. Đặt cột mốc cho từng giai đoạn chính, rồi giữa những giai đoạn đó, diễn tả các chi tiết phụ dẫn đến cột mốc tiếp theo ví dụ như:
[Cột mốc đầu] Main thức dậy giữa địa ngục
[Chi tiết 1] Main chạy lung tung và gặp một cô gái tự xưng là thần Chết
[Chi tiết 2] Main tranh cãi với cô gái Thần Chết và bỏ chạy
[Cột mốc 2] Main cố gắng lừa cô gái vào bẫy nhưng cả hai bị rơi xuống vực.
Cách liệt kê này có thể giúp bạn tưởng tượng rõ hơn để miêu tả và lưu trữ ý tưởng để sắp xếp nếu gặp ngắc ngứ về sau. Thông thường, hiếm tác giả nào thực hiện việc này trước khi viết bởi vì nó tốn thời gian khá lâu và phải suy nghĩ, sắp xếp và trình bày lại cho gọn gàng rất tốn công sức. Tuy nhiên nếu thực hiện đúng thì câu chuyện của bạn sẽ có thêm tính logic và hấp dẫn hơn đối với người đọc.
Việc viết ra dàn ý của cốt truyện cũng giúp bạn có thể lưu giữ lại các ý tưởng trong thời gian lâu nhất. Hơn cả thế, trong quá trình viết nếu xảy ra tình trạng xuất hiện ý tưởng mới, bạn hoàn toàn có thể xem xét lại dàn ý và chỉnh sửa làm sao cho phù hợp nhất mà vẫn giữ nguyên kết thúc của truyện.
Dĩ nhiên, đừng quên thêm thắt các yếu tố mâu thuẫn và tạo dựng nút thắt đẩy tình tiết lên đến cao trào trong nội dung truyện. Và nhớ rằng nếu bạn đã thắt nút thì cần phải gỡ nó ra một cách hợp lý. Bạn hoàn toàn có thể nhét vào những chi tiết mập mờ và những yếu tố gợi mở xuyên suốt câu chuyện cho đến khi phơi bày tất cả một cách trần trụi nhất, và nên cố gắng dàn trải các gợi ý của bạn để chúng không quá dày đặc khiến người đọc không cảm thấy bất ngờ hoặc quá giãn cách làm người đọc không kịp nắm được lời giải đáp khi bạn đưa nó ra.
Nếu sau khi đọc xong bài viết này mà bạn vẫn còn khá nhiều điều thắc mắc tuổi hồng không biết hỏi ai thì có thể comment câu hỏi bên dưới, hoặc gửi ẩn danh câu hỏi ở phần "Liên kết bên ngoài" trong bài viết này , mình sẽ cố gắng hỗ trợ và giải thích cho bạn trong khả năng có thể :D
https://goo.gl/lXaqDm

VOUS LISEZ
QUAN ĐIỂM VIẾT 2013-2017
Non-FictionTopic bao gồm những quan điểm cá nhân về nghề cầm bút tại Việt Nam, các bài viết đều là ý kiến chủ quan của tác giả.